Kham pha Israel

Khám phá Israel

  •   Lê Ngọc Hồ (VnExpress)
  •  
     
  •  
  •  
    Tôi trân trọng cám ơn những người đã tổ chức chuyến đi, những kỹ sư người Do Thái đã giúp đỡ hướng dẫn giới thiệu về lịch sử, vùng đất, con người và đặc biệt là những kỹ thuật của Israel trong việc tái sử dụng nước thải để tưới nông nghiệp, thu nước mưa để tái sử dụng, xử lý cung cấp nước sinh hoạt & uống được, nông nghiệp xanh.
     
    Ấn tượng về những kỹ sư Do Thái mà chúng tôi gặp trong chuyến đi là họ đã “thổi hồn” vào những lời giới thiệu về những thế mạnh của Israel và điều đó tạo cho tôi sự hứng thú trong việc tiếp thu thông tin & phiên dịch lại cho đoàn tham quan.
     
    Nhờ đó, tôi đã có cơ hội thu nhận rất nhiều thông tin quý báu mà nếu không thực hiện ký sự này, có lẽ nó sẽ bị quên lãng, và chuyến đi trở thành vô nghĩa. Cụ thể hơn, tôi mong muốn ký sự này chuyển tải được những thông tin cần thiết về nông nghiệp xanh, hoàn toàn có thể phát triển trên những mảnh đất màu mỡ cộng với khí hậu thuận lợi ở Việt Nam, nhưng phần lớn đang bị “lãng phí và lãng quên” mấy chục năm nay !

    Xem đầy đủ bài viết trên VN Express tại Đây
     
  • ‘Đất nước chúng tôi còn nghèo lắm’

  •  
    Chuyến bay đến Israel transit ở Thái Lan và từ Thái Lan hãng hàng không Israel (AL-EL) đưa khách đến Israel, slogan của hãng hàng không Israel là “it is not an airline, it is Israel”. AL-EL không sử dụng nhân viên người Thái mà người Israel đảm nhận tất các các khâu từ: a) nhân viên phỏng vấn từng người trước khi check-in, cuộc phỏng vấn tương tự như bạn được phỏng vấn về an ninh khi làm visa, b) check-in, c) kiểm tra boarding trước khi lên máy bay, d) tiếp viên.
     
    Khi lên máy bay bạn không cần phải viết tờ khai nhập cảnh, và đến lúc này tôi mới hiểu được câu slogan “it is not an airline, it is Israel”, bạn đã vào đất nước Israel rồi. Và với quy trình kiểm soát an ninh nghiêm ngặt như vậy thì chắc không có kẻ khủng bố nào mang được một tấc sắt vào đất nước Israel. Hiện tại các nước láng giềng Arab “không chơi” với Israel nên đường bay đến Israel từ Thái Lan không thể bay qua không phận của các nước làng giềng mà phải bay qua biển Đỏ, men theo vịnh Aqaba để vào Israel.
     
     
    Chúng tôi đã đi suốt chiều rộng nhất của Israel từ Tel Aviv đến thủ đô Jerusalem là khoảng 60 km, từ cao độ mặt biển (Tel Aviv) đi lên cao độ 800 m so với mực nước biển - Jerusalem.
     
    Trước đây, để mở rộng con đường nối giữa Tel Aviv và Jerusalem, người Do Thái phải tranh giành từng thước đất với người Arab. Jerusalem là thủ đô nằm trên núi, là nơi tranh giành đất đai, tôn giáo và quyền lực chính trị giữa người Do Thái, Palestine và Arab. Hiện tại và tương lai vẫn chưa có gì đảm bảo sự chung sống hòa bình tại thủ đô này, để ngăn chặn khủng bố, người Do Thái đã xây bức tường ngăn cách với người Palestine và kiểm soát nghiêm ngặt việc xâm nhập của người Palestine. Nước sinh hoạt ở Jerusalem được bơm từ nhà máy xử lý nước (khử mặn nước biển) ở Tel Aviv lên, qua một trạm bơm trung gian trước khi đến được Jerusalem.
     
    Lịch sử của người Do Thái được tóm tắt như sau: a) việc tranh giành đất với người Arab, đế chế La Mã, b) bị đuổi khỏi quê hương đi tha phương khắp Châu Âu, c) bị diệt chủng trong thế chiến thứ 2 bởi Đức Quốc Xã, d) quy hồi cố hương, e) tiếp tục tranh đấu với các nước Arab trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, f) hiện tại đất nước Israel vẫn đang trong tình trạng thời chiến với các nước láng giềng Arab.
     
    Chúng tôi đã đến thăm một Kebbutz điển hình gần biên giới Lebanon, Kebbutz giống như một hợp tác xã và cũng giống như các vùng biên giới có dân cư khác, nhà tránh bom là điểm nhấn không thể thiếu.
     
    Israel có hai mô hình tổ chức nông nghiệp là Moshav và Kebbutz, giống hệt mô hình hợp tác xã nông nghiệp của ta trước khoán 10. Kebbutz cổ nhất ra đời từ năm 1949 và tồn tại cho đến giờ. Kiến trúc Kebbutz theo hình tròn, tâm điểm là các công trình công cộng.
     
     
    Tỏa đều ra từ trung tâm là các hộ dân, mỗi hộ được chia 4,5ha đất. Phần giáp trung tâm là nhà ở, phía sau là đất canh tác hay chăn nuôi. Lãnh đạo Kebbutz gồm một hội đồng 21 người do tất cả xã viên trên 18 tuổi bầu, Hội đồng bầu chọn chủ nhiệm. Chủ nhiệm là người duy nhất có lương, chịu trách nhiệm điều phối mọi hoạt động của Kebbutz trong nhiệm kỳ 4 năm.
     
    Ở Israel, 100% nam thanh nữ tú đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu ai không làm nghĩa vụ quân sự thì không có giấy thông hành vào đời và thất nghiệp. Do không có sự chọn lựa về dáng vóc nên lính Israel không oai vệ như lính Mỹ, tuy nhiên về sự thiện chiến và sử dụng công nghệ cao thì quân đội các nước Arab láng giềng đều phải e dè.
     
    Ngày thường, chúng tôi ít thấy thanh niên ngoài đường, tuy nhiên vào chiều cuối tuần thì rất nhiều thanh niên nam nữ ở các siêu thị, quán bar chỉ phục vụ từ 23h. Trong khi đó các quán café ở xứ mình lúc nào cũng dập dìu “nam thanh nữ tú” từ sáng sớm đến tối khuya, rõ ràng chúng ta đang lãng phí rất lớn về con người và thời gian!
     
    Đất nước Israel không có nhiều cảnh đẹp, lại thêm thủ tục xin visa và kiểm soát an ninh gắt gao nên chủ yếu khách du lịch là người đạo thiên chúa đến thủ đô Jerusalem để viếng thăm “đất tổ”. Chúng tôi cũng đã gặp một số Việt kiều Mỹ tại đây tuy nhiên các tour du lịch từ Việt Nam thì hình như chưa phổ biến.
     
    Hệ thống giao thông và hạ tầng của Israel rất tốt mặc dù đường phố nhỏ hẹp, thủ đô Jerusalem chật hẹp nhưng giao thông trật tự, không hỗn loạn như ở xứ ta. Đường cao tốc phần lớn đi xuyên qua núi hoặc vòng qua núi nhưng cũng rất rộng rãi, kết nối tất cả các đô thị vệ tinh, việc tuân thủ luật lệ giao thông là văn hóa tự nhiên của con người.
     
    Chúng tôi hoàn toàn không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, có một lần vào buổi sáng xe bus chở chúng tôi dừng sát vỉa hè khách sạn để mở cửa đón khách gây cản trở lưu thông hơi lâu thì có một anh cảnh sát đi xe hơi chạy ngang nhắc nhở, lúc đó theo thói quen ở Việt Nam tôi nghĩ cảnh sát sẽ dừng lại gây khó dễ bác tài, tuy nhiên anh cảnh sát phóng xe đi. Ở đây, pháp luật nghiêm minh tạo nên ý thức nghiêm túc tôn trọng luật lệ ở người dân, cảnh sát không phải đôi co, tranh cãi với người dân vì những chuyện nhỏ nhặt.
     
    Tạm biệt Jerusalem xe đưa chúng tôi đến Biển Chết, khoảng cách từ Jerusalem đến Biển Chết là 20 km, cao độ thay đổi từ 800 m so với mực nước biển xuống âm (-) 415m dưới mực nước biển.
     
     
    Trên chuyến xe, anh kỹ sư người Do Thái đã nói lời “chúc mừng Vịnh Hạ Long được chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và buồn vì Biển Chết của Israel không được chọn”, tuy nhiên người Do Thái đã biết làm ra tiền từ Biển Chết.
     
    Tất cả các loại mỹ phẩm làm ra từ khoáng chất của Biển Chết đã nổi tiếng khắp thế giới và trong đoàn chúng tôi, ít nhất mỗi người đã “tự nguyện” mua ít nhất khoảng 200 USD mỹ phẩm khi đến tham quan ở đây. Nếu du khách nước ngoài đến vịnh Hạ Long, họ đã phải “tự nguyện móc túi” mua bao nhiêu tiền mua đồ lưu niệm, tôi không biết câu trả lời nhưng tôi đoán là con số khiêm tốn lắm?
     
    Biển chết là tài sản địa lý chung của Israel và Jordan, nước biển có chất dầu và độ mặn gấp 10 lần nước biển thông thường. Gần như không ai có thể bơi vì nếu nước biển lọt vào mắt thì rất rát buốt và chỉ có tư thế nằm đọc báo là dễ chịu nhất, ở đây bạn không cần biết bơi cũng được nổi lên, và nếu có ai nói rằng đến Biển Chết để tự tử thì người đó đang nói chuyện cá tháng 4.
InBản in
  
E-mail to a friend